Thỉnh thoảng tôi hay nói đùa với mọi người rằng, tôi chẳng còn gì phải quá ao ước với cuộc đời này nữa. Điều này không phản ánh sự thỏa mãn hết mức hay cho thấy tôi đã hết động lực theo đuổi. Mà nó phản ánh sự hài lòng về những điều đã làm được, về những đặc ân mà cuộc sống đã mang đến cho tôi. Bởi vì, tôi luôn tâm niệm rằng, trong hành trình tôi đi, thực sự, tôi là một kẻ may mắn.
Sẽ có may mắn lớn, may mắn nhỏ. Tôi thường cảm ơn cuộc đời vì bất cứ điều gì đã xảy ra. Và tôi luôn nghĩ, may mắn lớn nhất là có được một người chồng kề vai sát cánh trong mọi chuyện, kể cả là chuyện của một bà mẹ bỉm sữa đam mê kinh doanh.
Sự thật là như vậy. Trong suốt những năm tháng yêu, cưới và ở nhà làm một bà mẹ nội trợ tôi chẳng khi nào hình dung được chồng có thể trở thành cánh tay đắc lực của mình, chấp nhận từ bỏ hết để về cùng vợ xây đắp cho ước mơ của vợ.
Bản thân chồng tôi cũng đã từng giữ cương vị giám đốc trong Ngân hàng Đông Á, từng là một chàng trai được đào tạo tại trường Đại Học kinh Tế, tốt nghiệp Khoa Ngoại thương và có trong tay rất nhiều văn bằng chứng chỉ, thành đạt trong cả học vấn lẫn công việc liên quan đến ngành kinh tế. Nhưng, khi trở về bên tôi anh ấy trở thành người cộng sự hết sức đắc lực cho những thứ mà với anh ấy nó là thứ xa xỉ: “Nước hoa và mỹ phẩm”.
Những ngày đầu 2 vợ chồng cùng khởi nghiệp
Kể ra cũng thật buồn cười, khi anh trở về bên tôi để sát cánh trong công việc, thì chính tôi lại là người dạy anh rất nhiều thứ trong kinh doanh. Sự khác biệt trong ngành ngân hàng và kinh doanh bán lẻ, những kiến thức của anh và cách bán hàng cho khách hàng của tôi khác nhau. Nhưng điều này chỉ khiến chúng tôi trở nên gắn kết và tương hỗ nhau nhiều hơn. Anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc, từ những việc rất nhỏ cho đến cả những việc lớn lao. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời cho những ngày tháng lăn lộn đó của cả hai, để hiểu thấu những nỗi vất vả, những sẻ chia chính là tiền đề để một gia đình, một sự nghiệp trở nên vững chắc.
Anh xuất thân trong gia đình khá giả và có người giúp việc, điều này khiến cho những công việc như nấu cơm, giặt đồ hay dọn nhà vệ sinh là điều anh chưa bao giờ phải chạm tay vào.
Khi lấy nhau hai đứa không sống cùng bố mẹ chồng mà có một tổ ấm riêng, nên mọi thứ trong gia đình một tay tôi sắp xếp. Anh bận rộn với công việc trong ngành ngân hàng, còn tôi thời điểm đó còn là một giáo viên tiểu học có nhiều thời gian chăm sóc gia đình từng li từng tí. Điều này là chia sẻ cho công việc và cuộc sống chung, tôi hài lòng chứ chưa từng trách móc chuyện anh không thực sự quan tâm đến việc nhà. Tôi luôn nghĩ thế này, phụ nữ nhiều lúc cần phải học cách chấp nhận và hài lòng. Chúng ta có thể mơ mộng về một ông chồng hoàn mỹ chăm chỉ phụ vợ việc nhà, nhưng đó chưa chắc đã là mẫu hình phù hợp cho mọi tổ ấm. Sự chia sẻ là rất quan trọng, và biết cách hài lòng cũng như vậy.
Hương hài lòng với gia đình nhỏ của mình
Sau hai năm lập gia đình, chúng tôi sinh con đầu lòng. Niềm vui này, tôi nghĩ với bất cứ người mẹ nào cũng đều mang lại cảm giác thiêng liêng và đáng trân trọng. Nhưng cũng vì sống riêng nên mọi thứ chúng tôi đều phải tự lo. Bà Nội và Bà Ngoại thì đều bận nên chỉ hỗ trợ được một thời gian đầu. Tôi từng mệt mỏi và rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ như vấn đề mà không ít các bà mẹ bỉm sữa vẫn phải đối mặt. Những biến cố trong cuộc sống gia đình dần xuất hiện, nó khiến cho mọi thứ đảo lộn xảy đến cuộc đời cả tôi và anh.
Tôi đã từng rất mông lung và mơ hồ về những điều xảy ra vào thời điểm đó. Đâu mới là thứ tôi cần? Và đâu mới là điểm tựa cho tôi trong những chênh vênh của của một bà mẹ bỉm sữa đang đối mặt với chứng trầm cảm có thể xảy đến.
Sau sinh tôi bị chứng dị ứng và viêm gân cổ tay nên việc bế con cũng trở nên khó khăn, đau đớn. Nhìn thấy điều đó, anh bắt đầu quan tâm hơn đến việc chăm sóc nhà cửa, dọn dẹp các công việc nhà thường nhật. Chúng tôi không nói hết với nhau về những khó khăn, chỉ im lặng, quan sát, cảm nhận và thấu hiểu. Đó là ngày mà tôi được chứng kiến những hạnh phúc đến từ cử chỉ bình dị nhất ở anh. Người ấy từ một người vụng về không biết gì về nấu nướng, nay có kỹ năng như một đầu bếp. Anh tự tay tắm con và nấu cơm cho bà đẻ nữa. Những ngày ấy chúng tôi vui lắm, tôi còn nhớ mình ngồi cầu thang vắt sữa và chơi với con. Nhân tiện nói vọng vào bếp để hướng dẫn anh cách kho thịt, từng chút một, cứ một xíu muối, một xíu đường, một xíu nước mắm… Như cách chúng tôi nêm nếm cho gia vị của cuộc sống hôn nhân vậy.
Và rồi kinh tế gia đình khó khăn, tôi bắt đầu tập tành kinh doanh nhỏ lẻ khi bé Khang tròn bốn tháng tuổi. Giai đoạn vừa chăm con, vừa giao hàng và không biết về công nghệ Facebook, tôi ngập tràn trong rất nhiều những khó khăn. Mà phải nói sẽ chẳng ai đủ kiên nhẫn để chỉ cho bạn từng chút từng chút một, từ cách tải hình về, cách chèn số điện thoại, cách copy chữ, cách viết nội dung với khoảng cách đúng chuẩn bán hàng hay rất nhiều kỹ năng của một người làm kinh tế… Anh đã giúp tôi điều đó, đủ kiên nhẫn để làm với tôi tất cả những điều đó. Người mà đến tận bây giờ, vẫn là người duy nhất có đủ kiên nhẫn dạy tôi năm lần bảy lượt chỉ một bài học về một kỹ năng nào đó trong kinh doanh.
Nghĩ về anh, mà thấy thương lắm. Lúc đầu bán hàng tạp hoá niềm tin chưa có nên khách hàng toàn mua xà bông với nước ngọt. Những mặt hàng này nặng nên mấy chú xe ôm thường kén và không chịu giao. Anh tình nguyện trở thành một người giao hàng. Sáng sớm anh giúp tôi tắm cho con, rồi nấu cơm xong là đi giao hàng mặc dù rất nắng. Sài Gòn nắng gắt. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh than vãn về bất cứ điều gì mà anh phụ giúp tôi. Cứ ủng hộ tinh thần và động viên tôi trong mọi tình huống.
Những ngày đầu ông xã còn phụ Hương giao hàng cho khách
Mọi thứ đều có thể thay đổi chỉ khi chúng ta chấp nhận và quyết tâm thay đổi. Và mọi thứ đều có thể thay đổi, nếu chúng ta đủ kiên nhẫn để nêm vào những gia vị của yêu thương.
Rồi khi công ty lớn mạnh hơn, khi những áp lực trong việc sinh em bé thứ 2 đè nặng lên tôi. Rồi khi sau giai đoạn nghỉ thai sản là tôi đối mặt với hàng loạt vấn đề về doanh nghiệp của mình. Tôi vẫn có anh bên cạnh. Có khi mệt quá tôi nói với chồng:
• “Em không kinh doanh nữa đâu anh ạ, em mệt quá rồi!”
• Chồng tôi lúc đó chỉ nhẹ nhàng nói:
• “Uhm, mệt thì nghỉ đi, có gì đâu em…! Mọi thứ đều nhẹ nhàng mà.”
Câu nói đơn giản của anh giúp tôi nhanh chóng vượt qua khủng hoảng giai đoạn đó, lại tiếp thêm năng lượng để tôi đi tiếp chặng đường mà mình lựa chọn. Dĩ nhiên, anh biết rằng, tôi chẳng đời nào lại chấp nhận bỏ cuộc trên con đường mà mình đã chọn. Có đắng cay, có mệt mỏi, nhưng cũng sẽ có những hạnh phúc ngọt ngào. Nhưng, giữa thời điểm đó, câu nói đó của anh khiến tôi hiểu rằng, dù thế giới ngoài kia có xô bồ, nghiệt ngã thế nào thì tôi vẫn có anh luôn bên cạnh.
Nhờ anh tôi hiểu ra rằng, thế giới này, không phải tiền bạc hay hào quang, mà hy sinh và tình yêu mới là thứ ngập tràn tan chảy …